Bất Chợt Trên Bến Đò Ngang

Chiều qua bến đò ngang
tình cờ nghe bài hát cũ
người hành khất mù và cô gái nhỏ
cây guitar lạc phím
cũ mèm
chiếc thau nhôm móp méo
vàng ố
những đồng tiền

Cô bé hát
nỗi đau mênh mông của người tình phụ
chiều bay mưa hiu hắt dòng sông
khách qua đò cuối năm lưa thưa
có người dừng lại
mở bóp
tôi cho tay vào túi
rỗng không

Mấy mươi năm rồi người con gái qua sông
tôi viết lời ca sao buồn quá vậy
những lời ca cho lòng tôi thủa ấy
ai biết bây giờ
bố con người hành khất dùng để hát ăn xin

Chiều rây rây những bụi mưa êm
kỷ niệm cũ không hề sống lại
trong tôi chỉ lóe lên câu hỏi
biết bố con người hát rong kiếm đủ sống không?

(Sài Gòn 05/1988 - Đynh Trầm Ca)


Bất Chợt Trên Bến Đò Ngang

Bài thơ này đã được nhạc sĩ Xuân Hồng phổ nhạc với tên gọi "Bất trợt trên chuyến đò ngang", Lệ Thu trình bày, cũng cũ rồi... Để ý rằng tên bài hát có chỗ sai chính tả, tuy nhiên có lẽ đó cũng là một sự cố ý của một ai đó dành cho tác giả bài thơ (viết họ mình thành "Đynh" thay vì "Đinh"), cũng bởi sự cố nho nhỏ này mà người yêu nhạc đã rất khổ sở khi đi tìm tác phẩm âm nhạc này trên mạng.

Một đoạn viết về Đynh Trầm Ca: "... Sẽ là không thể khi muốn Đynh Trầm Ca nhớ lại mình đã viết bao nhiêu tác phẩm, thơ lẫn nhạc. Ngay tác phẩm của ông cũng được “cất giữ” nhờ bạn bè. Im lặng suốt hàng chục năm trời, mãi rồi có một gợi ý ông chọn bài cũ đăng báo, thế là ông gửi đến... một bài mới sáng tác, tháng 5-1988. Ấy là bài thơ “Bất chợt trên bến đò ngang”, được nhạc sĩ Xuân Hồng chọn phổ nhạc. Có điều, khi gặp Đynh Trầm Ca, Xuân Hồng ngạc nhiên: “Nếu biết ông cũng là nhạc sĩ, thì tôi đã... không phổ bài này!”. Xung quanh nhạc sĩ ngày càng kín tiếng này còn khá nhiều điều thú vị khác. Đơn cử họ Đynh trong bút danh của Mạc Phụ: ông lấy họ mẹ (Đinh), nhưng “phản ứng” với một nhà làm tự điển đương thời gốc Quảng Ngãi cứ đổi tất tật chữ i (ngắn) sang y (dài) nên ông bèn... viết ngược lại..."